HÀNH TRÌNH 07 NĂM LAN TỎA TRI THỨC, KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CỦA STBI – UEH

HÀNH TRÌNH 07 NĂM LAN TỎA TRI THỨC, KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CỦA STBI – UEH

Liên tục từ năm 2012 đến nay, vào các buổi trưa thứ 5 hoặc thứ 6 hằng tuần, Hội trường H001 thuộc Cơ sở H – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã trở thành địa chỉ trao đổi học thuật quen thuộc đối với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, vượt ra khỏi phạm vi Khoa Kinh tế UEH.

TS. Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam (World Bank Vietnam) chia sẻ chủ đề Triển vọng Kinh tế Việt Nam tại STBI 2014

GS. Michael Binder – Đại học Goethe Frankfurt, Đức trình bày đề tài Determinants and Output Growth Effects of Debt Distress tại SBTI 2015

TS. Tomoo Kikuchi – Đại học Quốc gia Singapore trình bày đề tài Global Public Goods and the Hegemonic Structure tại SBTI 2015

TS. Corbett Grainger, Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ trình bày đề tài Property rights, regulatory capture and exploitation of natural resources tại SBTI 2015

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa – Đại học Fulbright Việt Nam trình bày đề tài Legal Studies from Economic & Public Policy Perspective tại STBI 2015

Người đặt nền móng cho chuỗi Hội thảo từ những ngày đầu, TS. Phạm Khánh Nam – Phó Trưởng Khoa Kinh tế cho rằng: “Điểm mới và thú vị là tính chất mở của Hội thảo, qua tên chủ đề và diễn giả được thông báo trước, người quan tâm sẽ chủ động đến tham gia trao đổi. Với không khí thoải mái, các phản biện mang tính cởi mở và thẳng thắn, khuyến khích tối đa sự chia sẻ và tương tác giữa diễn giả và khán giả. Điều quan trọng nhất mà Khoa Kinh tế luôn cố gắng để giữ chân và thu hút người tham gia định kỳ là duy trì chất lượng của bài nói và diễn giả.”

Ở góc độ giảng viên, ThS. Võ Thành Tâm – Khoa Kinh tế nhận thấy: “Mình tham gia Hội thảo từ năm 2014, chuỗi Hội thảo mang lại cho mình nhiều giá trị ý nghĩa, đặc biệt là trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Thứ nhất, Hội thảo giúp mình có kiến thức về phương pháp nghiên cứu, thông qua việc lắng nghe phần trình bày của các diễn giả là những nhà nghiên cứu tiêu biểu trong ngành đã giúp mình hiểu rõ các bước trong quy trình nghiên cứu khoa học, đâu là bước quan trọng và phương pháp nghiên cứu nào là phù hợp nhất.

Thứ hai, Hội thảo giúp mình tự tin hơn khi tham gia nghiên cứu khoa học, mình hiểu được như thế nào là một người nghiên cứu khoa học, những điều làm nên giá trị của một công trình nghiên cứu. Ngoài ra, việc tham gia thảo luận với diễn giả và những người tham gia giúp mình thêm những điều mới trong ý tưởng nghiên cứu ban đầu.

Đối với mình, hai giá trị quan trọng và ý nghĩa nhất mà Hội thảo mang lại là việc truyền đạt và lan tỏa tri thức khoa học. Các nhà khoa học trình bày trong Hội thảo giúp mọi người cập nhật kiến thức mới và lan tỏa những ý tưởng, kiến thức đó thông qua việc trao đổi và góp ý lẫn nhau.”

Ở góc độ học viên Cao học, Anh Ngô Hoàng Tuấn Hải – Phòng Quản lý chất lượng của Bệnh viên Vinmec cũng cho rằng: “Hội thảo đã giúp anh phát triển ý tưởng và phương pháp nghiên cứu; đồng thời cập nhật các xu hướng mới về kinh tế và xã hội.”

Thời gian đầu tổ chức, TS. Phạm Khánh Nam đã chủ động mời diễn giả đến báo cáo và cố gắng duy trì việc tổ chức hội thảo thường xuyên, từ đó hình thành nên chuỗi hội thảo mang tính chất định kỳ và quen thuộc đối với các nhà khoa học. Dần dần cộng đồng nghiên cứu khoa học biết đến Hội thảo nhiều hơn, những nhà nghiên cứu có nguyện vọng chia sẻ và trao đổi về bài báo nghiên cứu hay góc nhìn về một lĩnh vực nhất định sẽ tình nguyện gửi bài viết về chương trình. Thông tin về Hội thảo được truyền thông qua các kênh: Portal UEH tiếng Anh, Website Khoa Kinh tế, Fanpage Khoa Kinh tế, Email, Giảng viên Khoa Kinh tế.

Mỗi buổi Hội thảo STBI trung bình có 25 – 50 thành viên tham dự, cao điểm nhất lên đến 80 người. Tính đến tháng 10/2018, số lượng Hội thảo xấp xỉ 200 buổi; bình quân 45 buổi/năm, từ năm 2014 đến năm 2016; những năm khác khoảng 20 – 25 buổi/năm.

Khoa Kinh tế cho rằng việc tổ chức chuỗi hội thảo là một trong những hoạt động chính nhằm lan tỏa hoạt động nghiên cứu trong cộng đồng khoa học; trong đó, lực lượng giảng viên trẻ được xem là lực lượng nòng cốt và được phân công thay phiên phụ trách tổ chức STBI. Có thể nói, thành công của STBI là thành công của cả tập thể Khoa kinh tế.

Buổi chia sẻ hiện được tổ chức vào trưa thứ Sáu hai tuần một lần, bắt đầu từ 11h30 và kết thúc tùy theo yêu cầu thực tế tại Khoa Kinh tế. Ban tổ chức Hội thảo chuẩn bị thức uống miễn phí cho tất cả người tham gia; phần ăn nhẹ và quà lưu niệm cho diễn giả.

Năm 2018, STBI trở lại với tên mới “The 2018 STBI Brown Bag Series” mở rộng đa dạng lĩnh vực, chủ đề hơn như tâm lý học, giáo dục, sức khỏe,… không chỉ tập trung vào lĩnh vực Kinh tế như trước đây. Với mô hình hội thảo mới học tập theo phương pháp của Mỹ, STBI Brown Bag Series hướng đến cung cấp môi trường chia sẻ tri thức, kiến thức và ý tưởng giữa diễn giả và người tham dự. Những ý tưởng chia sẻ có thể xuất phát từ quan sát thực tiễn về hiệu quả của việc áp dụng lý thuyết hay một kết quả thú vị từ nghiên cứu. Ngoài ra, các ý tưởng cũng có thể xuất phát từ hợp tác giữa các tổ chức để tìm ra giải pháp cho một số vấn đề.

Có thể thấy, chuỗi Seminar STBI của Khoa Kinh tế là một mô hình hoạt động khoa học định kỳ, được duy trì trong thời gian dài và có sức ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Chuỗi Hội thảo đã góp phần cải thiện môi trường học thuật, làm bệ phóng cho những ý tưởng khoa học tiềm năng, góp phần đưa UEH trở thành Đại học định hướng nghiên cứu.

Một số khoảnh khắc tại chuỗi Hội thảo STBI

Leave a Reply